(lienminhbng.org) - Chiều ngày 7/10, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 - Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13-2020. Khởi động từ tháng 6/2020 và đã có kết quả vào đầu tháng 8/2020, nhưng do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cho nên Lễ trao giải đã được lùi lại đến ngày hôm nay.
Trong khuôn khổ Lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 còn có triển lãm tranh của Bùi Xuân Phái cùng tranh vẽ "bác Phái", "ông Phái" của một học trò của ông - nữ họa sĩ Văn Dương Thành, và của cả các "học trò" của nữ họa sĩ nữa.
Một Lễ trao giải đặc biệt diễn ra trong một bối cảnh cũng hết sức đặc biệt: Cả nước đang tưng bừng hướng về Kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội; đồng thời các hoạt động kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920 - 2020) cũng đã, đang và sẽ còn diễn ra ở rất nhiều nơi, cho đến hết năm 2020 này.
Trong bối cảnh đó, nét đặc biệt của Giải Bùi Xuân Phái năm nay là sự hội tụ và cộng hưởng của những tấm lòng "vì tình yêu Hà Nội" rộng khắp. Có những gương mặt gần gũi, thân quen, đã trở thành biểu tượng bao nhiêu năm nay về Hà Nội. Lại có cả những gương mặt mới mẻ, xuất hiện hết sức bất ngờ và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Qua 12 mùa giải, những gương mặt mang tính biểu tượng cho Hà Nội như Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài, Phan Huy Lê, Quang Phùng, Nguyễn Thừa Hỷ... đã lần lượt được vinh danh Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Tại mùa giải năm nay, Hội đồng giám khảo quyết định hướng tới những nhân tố “trẻ” hơn, nhưng có bề dày cống hiến cho Hà Nội không hề thua kém, đặc biệt, nếu xét về mức độ lan tỏa thì có thể ví với sức ảnh hưởng của biểu tượng Phố Phái - Phái Phố. Đó chính nhạc sĩ "Hà Nội phố" Phú Quang.
Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chưa bao giờ quên nhắc tới Phú Quang trong hầu hết các lần xét Giải thưởng Lớn, và bản thân nhạc sĩ cũng đã đồng hành với Giải thưởng này ngay từ khi mới thành lập với tư cách là một thành viên của Hội đồng giám khảo.
Không chỉ trong sáng tác, cuộc đời anh là một minh chứng cho thấy tình yêu Hà Nội "đau đáu" (chữ dùng của chính anh khi góp ý cho Quy chế Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2008) đến nhường nào. Có lẽ, bước ngoặt lớn nhất để một nhạc công, một nhạc sĩ phối khí trở thành một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp (mặc dù Phú Quang đã viết nhạc không lời từ thanh xuân) chính là khi Phú Quang “hành phương Nam” để rồi cứ quay quắt nỗi nhớ Hà Nội. Cái nỗi nhớ ấy đã làm “tươi non” trở lại những câu thơ Phan Vũ qua ca khúc Em ơi Hà Nội phố.
Phú Quang viết như mê và cũng làm người Hà Nội say đắm anh đến cùng cực. Những giai điệu tạo dựng nên một “nét văn hóa” Phú Quang không lẫn vào đâu. Phú Quang có thể “tả xung hữu đột” trong lãnh địa ca khúc, nhạc phim, nhạc giao hưởng để đóng đinh tên mình vào lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nỗi nhớ Hà Nội vẫn là nguồn năng lượng vô tận của anh trong hành trình khẳng định vị thế của mình trở thành “công dân ưu tú” của Hà Nội.
Trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020 cho nhạc sĩ Phú Quang đúng dịp 1.010 năm Thăng Long - Hà Nội đã trở thành một điều hiển nhiên sau những tên tuổi gạo cội. Sinh năm 1949, anh trở thành người trẻ tuổi nhất trong Bảng vàng Giải thưởng Lớn. Hội đồng giám khảo tin tưởng rằng, đây sẽ là một sự khởi đầu tươi mới, để các năm tiếp theo, Bảng vàng Giải thưởng Lớn sẽ tiếp tục mở ra với những gương mặt đầy sung sức đang nỗ lực cống hiến cho Hà Nội.
Giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay cũng thuộc về một người trẻ, và rất trẻ là Marko Nikolic, chàng trai trẻ sinh năm 1987 được tôn vinh với tiểu thuyết Phố Nhà Thờ.
Nằm trong số những tác phẩm viết về chủ đề Hà Nội, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, Phố Nhà Thờ đơn giản chỉ là cuốn cẩm nang du lịch hay nhật ký ăn chơi của một ông khách nước ngoài. Nhưng không, thông qua một câu chuyện tình yêu, Marko Nikolic đã soi chiếu những va chạm Đông Tây, biểu đạt “cái chất” Hà Nội riêng không ở đâu có.
Lấy Hà Nội làm bối cảnh cho toàn bộ tiểu thuyết, Marko Nikolic đã tái hiện một Hà Nội rất đẹp, rất đời. Ở đó, đọc giả giật mình khi thấy được bản ngã, ngỡ ngàng trước những chiêm nghiệm mới, biết thưởng thức hơn, tự hào hơn về một thành phố qua ngàn năm tuổi.
Ở hạng mục Giải việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm nay có 2 giải được trao.
Đó là Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân do UBND quận Hoàn Kiếm triển khai với sự đồng hành của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, và được các nghệ sĩ thực hiện - một dự án đã biến một khu vực vốn là nơi tập kết rác của người dân địa phương thành con đường nghệ thuật.
Con đường ấy không chỉ được “làm đẹp” bằng cách trang trí thông thường, hay toát lên thông điệp bảo vệ môi trường từ việc sử dụng các vật liệu tái chế, mà trên hết đó là một tập hợp các tác phẩm nghệ thuật công cộng có giá trị nghệ thuật rất cao, bộc lộ sức sáng tạo dồi dào của một đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp, giàu tình yêu đối với Hà Nội, trong đó có 2 họa sĩ nước ngoài. Đấy là một con đường hiển bày lịch sử, văn hóa sông Hồng bằng những tác phẩm vừa hiện đại, vừa gần gũi.
Giải thưởng Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội thứ hai được tra cho nhóm nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong cho các làng xã ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành cả nước.
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông gồm nhiều tác giả, họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cùng một số doanh nhân, như: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, NSƯT Chu Lượng, họa sĩ Hoàng A Sáng, tác giả Trịnh Hữu Sỹ, đạo diễn - nhà thơ Lương Tử Đức, nhà thơ Nguyễn Quyến, doanh nhân Lê Phương Trung, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu.
Đều đặn, trong 5 năm kể từ 2015 đến nay, họ vẫn lần lượt tìm kiếm và dâng tặng lại khoảng 150 đạo sắc phong cho các địa phương, trong đó có trên 80 đạo sắc phong cho các đình, đền... tại Hà Nội. Có nơi may mắn nhận về cả chục đạo, và có nơi ít hơn, nhưng điểm chung của những lần trao trả ấy vẫn là sự hân hoan và xúc động đặc biệt từ cộng đồng.
Lần lượt Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Ứng Hòa... - gần như toàn bộ các địa phương quanh Hà Nội đều có những di tích được nhóm Nhân sĩ Hà Đông trao lại sắc phong.
Hội đồng giám khảo đánh giá cao việc dâng tặng lại sắc phong cho các đình, đền… của nhóm Nhân sĩ Hà Đông. Đây là một hành động rất nghĩa hiệp của những “kẻ sĩ Bắc Hà”, thể hiện một thái độ tôn trọng rất sâu sắc với những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời có sức truyền cảm hứng lớn trong xã hội về những chuyện tử tế mà kẻ sĩ nên làm, cần làm.
Hành trình dâng tặng lại sắc phong chính là hành trình lấy lại “căn cước văn hóa” cho xã, làng Hà Nội. Đúng như chia sẻ của “trưởng nhóm” - nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Có những người bạn quốc tế nói với tôi: Những đạo sắc phong của Việt Nam có giá trị và ý nghĩa không kém gì lịch sử phong thần của Hy Lạp. Điều này nên để các chuyên gia đánh giá. Còn với tôi, đó đơn giản là “file gốc”, là căn cước tạo nên bản sắc của một nền văn hóa Việt”.
Và cuối cùng là Giải ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho Ý tưởng thiết kế và xây dựng cột mốc Km0 tại Hồ Gươm, một mong mỏi của giới chuyên môn và những người yêu Hà Nội từ hàng chục năm qua.
Cuộc thi do UBND quận Hoàn Kiếm giao Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến sư Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra trong hơn 1 tháng và đã chọn được các giải Nhất, Nhì, Ba cùng 2 giải khuyến khích.
Đã có những phương án thiết kế khả thi cho công trình cột mốc Km0, hy vọng rằng trong một tương lai không xa, Hà Nội sẽ có một điểm mới năng động, hiện đại và đầy ý nghĩa để không một du khách nào tới Hà Nội mà có thể bỏ qua.
Trong khuôn khổ của Lễ trao giải, báo Thể thao và Văn hóa sẽ tổ chức một số hoạt động phụ trợ nhằm tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp của Bùi Xuân Phái.
Đó là Triển lãm ảnh Bùi Xuân Phái - Trăm năm một tình yêu Hà Nội của Trần Chính Nghĩa, giới thiệu gần 30 bức ảnh chân dung danh họa. Và thứ 2 là Triển lãm tranh của Bùi Xuân Phái và 2 thế hệ “vẽ Phái”, trưng bày một số bức ký họa của Bùi Xuân Phái do "người học trò" Văn Dương Thành sưu tập, tuyển chọn, giới thiệu.
Bên cạnh đó là tranh vẽ "bác Phái" của Văn Dương Thành và tranh vẽ "ông Phái" của các học trò Văn Dương Thành, gồm các em Nguyễn Quang Minh (15 tuổi), Trần Khánh Linh (15 tuổi), Nguyễn Linh Chi (12 tuổi), Lê Châu Anh (13 tuổi). Đây là một cuộc hội ngộ thú vị nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái (1920 - 2020).
DANH SÁCH ĐỀ CỬ
(Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020)
* 1 ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI: Nhạc sĩ Phú Quang – nhạc sĩ của "Hà Nội phố"
* 3 ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI gồm:
- Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ (NXB Hội Nhà văn) của Marko Nikolic (người Serbia).
- Cuốn Hà Nội mũ rơm và tem phiếu (NXB Lao động) của Trung Sỹ.
- Cuốn Hà Nội dấu xưa, phố cũ (NXB Văn học) của Uông Triều.
* 3 ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI gồm:
- Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
- Nhóm Nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong.
- Nỗ lực xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.
* 2 ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI gồm:
- Ý tưởng thiết kế, xây dựng cột mốc Km0 tại Hồ Gươm.
- Kế hoạch “giải cứu” và phát huy giá trị bức tranh cổ động ở chợ Mơ.
KẾT QUẢ (Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 – 2020)
* 1 GIẢI THƯỞNG LỚN - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI trao cho: Nhạc sĩ Phú Quang, vì đã sáng tác những ca khúc bất hủ về Hà Nội, thể hiện một tình yêu đau đáu với Thủ đô.
* 1 GIẢI TÁC PHẨM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI trao cho: Tiểu thuyết Phố Nhà Thờ của Marko Nikolic, vì thông qua một câu chuyện tình yêu, đã soi chiếu những va chạm Đông - Tây, biểu đạt được “cái chất” rất riêng của Hà Nội, đồng thời thể hiện khát khao thấu hiểu, hòa nhập với đời sống văn hóa nơi đây.
* 2 GIẢI VIỆC LÀM - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI trao cho:
- Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân của Chính quyền quận Hoàn Kiếm, Hội Kiến trúc sư Hà Nội và nhóm nghệ sĩ thực hiện, vì đã tạo dựng một con đường nghệ thuật đặc sắc ở ven sông Hồng.
- Nhóm Nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong cho các đình, đền ở Hà Nội cùng một số tỉnh thành, vì đã góp phần tìm lại “căn cước văn hóa” và bảo vệ di sản truyền thống cho các làng, xã.
* 1 GIẢI Ý TƯỞNG - VÌ TÌNH YÊU HÀ NỘI trao cho: Ý tưởng thiết kế, xây dựng cột mốc Km0 tại Hồ Gươm của Chính quyền quận Hoàn Kiếm, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng các nghệ sĩ tham gia. Vì sẽ tạo dựng cho Hà Nội một điểm đến năng động, hiện đại và đầy ý nghĩa.
|
Ngọc Huy